Hình ảnh dưới đây giới thiệu tóm tắt về radio AM FM dùng được nhiều dạng năng lượng có trong tự nhiên.
Và cũng để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ tháo máy ra và khảo sát từng phần mạch điện của máy:
Hình chụp cho thấy, máy gồm có các thành phần sau:
* Một hộp chứa 4 cục pin charge, mỗi cục 1.2V, vậy máy hoạt động với mức nguồn nuôi là 4.8V
* Một tấm pin mặt trời, dùng chuyển đổi quang năng ra dạng điện năng, cho nạp vào pin.
* Một motor nhỏ dùng làm máy phát điện, khi quay, nó sẽ phát ra điện áp dùng để nạp pin.
* Một adaptor dùng để lấy điện nhà cho nạp vào pin.
Nếu pin nạp đủ, máy có thể hát liên tục trong 7 tiếng. Khi nguồn pin yếu, mạch đo áp sẽ báo pin yếu bằng cách cho sáng một Led đỏ, khi thấy tín hiệu này Bạn phải cho nạp lại pin.
Khi tháo máy ra xem, chúng ta sẽ thấy có 4 thành phần năng lượng mà máy dùng để hoạt động.
Phân tích các bộ phận tạo nguồn điện cho máy
Tạo nguồn điện nạp pin từ ánh sáng mặt trời:
Chúng ta biết năng lượng tạo ra công. Muốn làm một việc gì thì trước hết hãy nghĩ đến nguồn năng lượng dùng cho công việc đó. Năng lượng có 2 dạng phổ biến, đó là năng lượng phân bố và năng lượng tập trung. Ánh sáng mặt trời là dạng năng lượng phân bố, mưa, gió cũng là dạng năng lượng phân bố, nó trãi ra ở diện rộng, cung cấp đều cho mỗi chổ, mỗi nơi. Nhưng nếu muốn nấu một nồi cơm, muốn chạy một xe máy cài, chúng ta cần số năng lượng lớn, một dạng năng lượng ở dạng tập trung. Do đó muốn tích nước mưa để chạy thủy điện, chúng ta cần hồ chứa, muốn có điện tập trung trong pin ắc-qui, chúng ta phải làm cánh quạt dài rộng để nó quay với sức gió. Ngày nay người ta đang nghĩ đến các vật liệu có thể dùng chuyển hóa năng lượng với hiệu suất cao và cũng cùng lúc đang nghĩ ra cách tích tụ các dạng năng lượng phân bố, gôm tụ lại để dùng cho các công việc sinh hoạt. Các tấm pin mặt trời hiện là đề tài rất được nhiều người quan tâm. Nguyên lý để dùng pin mặt trời là:
Hệ thống dùng pin solar luôn có 3 phần:
* Phần pin solar là các tấm pin càng rộng càng tốt, do đó nó trở thành các mái che, các tấm vách dùng để hứng nắng và tạo ra điện năng. Bạn biết mức áp ra ở các tấm pin này luôn thay đổi vì cường độ nắng không đều, thường biến đổi.
* Phần kiểm soát nạp nó có 2 công dụng chính, công dụng điều áp. Vì điện áp vào luôn thay đổi, do đó Bạn phải dùng mạch điều áp để giữ cho nó ở mức ổn định.
* Các nguồn pin ắc-qui dùng để chứa điện.
Cũng theo nguyên tắc này, tôi đã làm thực hành mạch nạp pin ắc-qui bằng pin mặt trời (Solar cell) để dùng cấp điện cho các thiết bị chiếu sáng, nghe radio cassette trong nhà .. Đề tài này cũng rất thích thú. Mạch điện thực hành như các hình sau:
Hình chụp các bộ phận dùng lấy điện từ ánh sáng mặt trời
Giải thích sơ đồ mạch điện: IC AP34063 có thể dùng để nâng áp hay giảm áp DC (DC-DC converter), do mạch dùng nguyên lý switching nên có hiệu suất rất cao (tổn hao công suất trên mạch chuyển đổi DC ra DC rất ít). Tần số xung switching lấy theo trị của tụ C2 trên chân 3. Xung ra trên chân số 1 sẽ cho kích thích cuộn cảm L1, xung ứng phản hồi trên cuộn cảm L1 có biên cao sẽ cho nắn dòng với diode Schottky D2 và tạo dòng DC cho nạp vào tụ C2 (1000uF, kho chứa điện lớn). Mức áp DC trên tụ C2 cho hồi tiếp nghịch về chân số 5 để tạo chức năng ổn áp ngả ra, nhờ vậy dù mức áp DC vào trên chân số 6 có thay đổi thì mức áp ra cũng luôn được giữ cố dịnh. Để có mức áp ra theo ý, Bạn điều chỉnh biến trở R2 (điện áp ra cao nhất của mạch có thể đến 30V). Điện trở R4 (0.22 ohm) dùng để bảo vệ tránh quá dòng. Trên đường ra Bạn gắn thêm mạch lọc với cuộn cảm L2 và tụ hóa C3 để có nguồn DC thẳng, ít dợn sóng. Qua thực hành mạch làm việc rất tốt, rất bền và trong nhà luôn có điện thấp sáng và nguồn điện nghe radio.
Ghi chú: Vì nguồn làm việc ở mức áp DC thấp, nên để tránh tổn hao mất áp trên các diode. Bạn nên dùng loại diode Schottky, loại diode schottky chỉ ghim áp ở mức 0.2V, còn các diode thường làm mất áp đến 0.6V~0.8V. Còn các tấm solar cell này Bạn có thể tìm mua ở cửa hàng Phúc Lan Shop.
Tạo nguồn điện nạp pin từ nguồn điện nhà:
Lấy điện nhà dạng AC 220V (ở Mỹ 120V) để tạo ra điện áp DC volt thấp, 12V để nạp cho pin charge thì không có gì phải nói thêm. Ở đây để có mạch nạp Auto volt có thể làm việc với mức nguồn AC từ 100V đến 240V, Bạn nên dùng dạng nguồn biến đổi Switching. Sau đây là một sơ đồ mạch nạp auto volt điển hình thường gặp.
Giải thích mạch điện: Trong mạch này điện vào là điện nhà, dạng AC, qua 4 diode nắn dòng tạo ra dòng xung một chiều cho nạp vào tụ C1 (4.7uF 400WV) để có mức áp DC cao. Mức áp này cấp cho mạch dao động swithching với transistor MOSFET Q1 (IRF840), Q1 cấp dòng xung tần cao cho biến áp xung T1, ở cuộn thứ cấp L3, quấn ít vòng, dây lớn, chúng ta lấy ra xung biên thấp dòng lớn, dùng diode nắn dòng D7 để có dòng dạng DC cho nạp vào tụ hóa lớn C6 (1000uF) để có mức áp ổn định và dùng điện áp này cho nạp vào pin charge.
Trong mạch:
* R1 (1 ohm) là điện trở cầu chì. R3 (1M) và R5 (100K) là cầu điện trở lấy áp phân cực mòi chạy Q1.
* Cuộn L2 lấy tín hiệu hồi tiếp thuận để tạo dao động. Điện trở R4 (2.2K) và tụ C3 (103), cấp xung hồi tiếp cho chân G (chân cổng) của Q1 để tạo dao động, trị của R4, C3 dùng định tần số của tín hiệu xung.
* Diode D6 dùng nắn xung pha âm cho nạp vào tụ hóa C5 (4.7uF), mức áp trên tụ này cấp dòng cho Led chỉ thị, R9 (390) có công dụng hạn dòng cho Led.
Trong mạch này dùng 3 mạch điện bảo vệ:
(1) Mạch dập biên xung nghịch biên cao phản hồi từ cuộn sơ cấp L1 của biến áp xung T1. Người ta dùng diode nắn dòng xung nghịch D5 cho nạp dòng điện của xung nghịch vào tụ chịu áp cao C2 (222, 1KV), để tụ C2 đừng nạp đầy điện (nếu để tụ nạp đầy nó sẽ không còn tác dụng dập xung), luôn cho tụ C2 xả điện qua điện trở R2 (22K).
(2) Mạch bảo vệ tránh quá dòng, người ta đo dòng phản ánh tải bằng điện trở R8 (1 ohm), mức áp trên điện trở này qua điện trở hạn dòng R7 (150) và tụ gia tốc C4 (103) cho kích thích vào chân B của transistor Q2, nếu mạch bình thường, dòng qua R8 không quá lớn, mức áp trên điện trở R8 thấp hơn mức 0.5V thì Q2 không dẫn điện, Q1 làm việc bình thường, khi mạch bị quá dòng, mức áp trên R8 cao hơn 0.6V thì Q2 sẽ dẫn điện, nó làm bão hòa Q3 và đặt chân G (chân cổng) của Q1 nối masse và làm tắt dao động, điện trở R6 (510) làm tăng hệ số ổn định nhiệt cho Q3, Q3 còn tạo tác động tự giữ (có thể xem Q2, Q3 tương đương như một SCR).
(3) Mạch bảo vệ tránh quá áp ở ngả ra. Người ta dùng IC2 để làm mạch bảo vệ tránh quá áp ngả ra. Mức áp ngả ra được đo trên cầu điện trở R12 (2.7K) và R13 (2.4K) và cấp cho chân R, bình thường mức áp này thấp hơn 2.4V, nên IC2 không dẫn điện, mạch hoạt động bình thường, nếu ngả ra bị quá áp, mức áp trên chân R của IC2 lên cao hơn 2.4V, nó sẽ dẫn điện và cấp dòng cho Led trong opto, tia hồng ngoại sẽ kích thích quang transistor trong opto và như vậy Q2 sẽ bị kích dẫn, Q3 dẫn và làm tắt dao động. Điện trở R11 (470) dùng để hạn dòng, tụ C7 (104) dùng để lọc nhiễu.
Tóm lại, Bạn có thể dùng mạch này để nạp lại điện cho các loại pin charge có áp danh định là 4.2V.
Tạo nguồn điện nạp pin từ các chuyển động cơ học (động năng):
Hình chụp cho thấy, người ta tạo ra một tay quay và dùng một hộp tăng tốc, để làm quay nhanh một motor DC, và lúc này ở 2 đầu của motor sẽ phát ra điện áp DC. Tại sao?
Hãy tìm hiểu nguyên lý hoạt động của motor DC và rồi sẽ hiểu tại sao có thể dùng các motor DC làm máy phát điện DC và điện này có thể cho nạp vào pin charge. Bạn xem hinh.
Hình vẽ cho thấy người ta đặt các cuộn dây ứng trên phần quay (Rotor) và bên cạnh là các nam châm vĩnh cữu (phần tĩnh, Stator). Bây giờ thông qua các cổ gốp là các vòng đồng, cấp điện cho các cuộn dây ứng, phần ứng sẽ quay.
Theo Michael Faraday (Nhà vật lý thực nghiệm thiên tài người Anh), khi cho một cuộn dây quay quanh một nam châm vĩnh cữu, từ thông qua cuộn dây sẽ luôn bị biến đổi, ở hai đầu cuộn dây sẽ phát ra điện áp ứng. Đó là nguyên lý dùng làm nền tản của tất cả các máy phát điện. Nhờ có máy phát điện, chúng ta có thể chuyển đổi động năng (một dạng cơ năng) ra điện năng.
Ngày nay, các motor DC nhỏ nhiều vô số kể, công dụng của nó là dùng điện DC để tạo ra chuyển động quay, được dùng trong các máy hát, trong các đồ chơi trẻ em, trong các thiết bị điện gia dụng... Khi dùng với chức năng motor, lúc này Bạn cấp điện cho các cuộn dây ứng quấn trên phần quay, các cuộn dây có dòng sẽ trở thành các nam châm điện và do nó tạo tương tác với các nam châm vĩnh cữu đặt bên cạnh, tạo ra chuyển động dịch chuyển, nhưng khi quay đó đồng thời cũng làm quay luôn cổ lấy điện và dòng qua các cuộn ứng lại bị đổi chiều nên phần ứng lại sẽ phải dịch chuyển tiếp và cứ thế nó không bao giờ vào được trạng thái ổn định, luôn phải ở trạng thái quay, đó là hiện tượng tương tác giữa phần ứng và các nam châm bên cạnh và tạo ra các motor.
Nhưng khi Bạn dùng tay làm quay phần ứng (trên đó có quấn các cuộn dây đồng) thì từ thông tạo ra từ các nam châm vĩnh cữu qua các cuộn dây này sẽ luôn biến đổi, nên theo phát hiện của Faraday, ở 2 đầu cuộn dây sẽ xuất hiện điện áp cảm ứng, Bạn lấy điện áp này ra trên các vành bằng đồng ở cổ gốp điện, với cấu tạo của cổ gốp điện nó luôn cho đổi chiều dòng điện, nhờ vậy Bạn lấy điện ra theo cực tính đúng âm dương. Có thể coi cổ gốp làm chức năng nắn dòng.
Nói khác đi khi Bạn quay một motor DC, ở 2 đầu dây sẽ xuất hiện điện áp DC, Bạn càng quay nhanh, mức áp ra càng cao. Bạn có thể dùng nguồn điện này để nạp điện cho các pin charge.
Phân tích các mạch điện trên bo radio
Khối cao tần FM:
Để tìm ra phần cao tần của FM, Bạn hãy tìm các cuộn dây bằng đồng trên bo mạch điện, các cuộn dây này quấn ít vòng và thường có đỗ sáp. Tại sao vậy? Chúng ta biết, do tần số dãi tần FM cao, từ 88MHz đến 108MHz, nên ở các mạch cộng hưởng (ghép bởi cuộn dây L song song với tụ điện C) dùng làm bẩy sóng, người ta thường phải dùng các cuộn dây nhỏ, quấn ít vòng mắc song song với các tụ nhỏ để bắt sóng, để chọn kênh. Hình chụp cho thấy chung quanh cuộn dây có một IC một hàng chân (9 chân), đó chính là IC khuếch đại cao tần FM, và mạch trộn sóng dời tần (Mixer) để tạo ra tín hiệu trung tần IF FM có tần số là 10.7MHz (Theo nguyên lý của máy thu siêu ngoại sai, tất cả các tín hiệu RF thu vào đều sẽ cho trộn sóng và dời đến một tần số đã chọn gọi là trung tần IF, với cách làm này có thể dùng mạch khuếch đại IF độ lợi lớn để tăng độ nhậy của máy thu).
Giải thích mạch điện: Chúng ta biết, ở đài phát tiếng nói và lời ca đã được cho điều tần (FM, Frequency Modulation) lên sóng mang có tần số nằm trong dãi từ 88MHz đến 108MHz. Tin hiệu này cho lên Anten phát vào không gian, ở máy thu Bạn dùng mạch cộng hưỡng L//C để thâu gôm tín hiệu này và cho vào chân 1 của ic KA22497, vào ic tín hiệu RF FM này sẽ qua tầng khuếch đại RF để tăng biên, nhờ tầng khuếch đại RF, tiếng nói âm thanh sẽ mạnh và ít nhiễu ồn. Tín hiệu RF cho ra trên chân 3, trên chân 2 mắc tụ lọc để tăng độ lợi cho tầng khuếch đại. Tín hiệu RF qua tụ liên lạc trở vào tầng trộn sóng dời tần (Mixer) trên chân số 4. Trên chân 3, người ta dùng bẩy sóng tạo bởi cuộn dây T1 và tụ xoay CV1 để chọn kênh. Cùng lúc này trên chân số 8 là mạch cộng hưởng tạo bởi cuộn cảm T2 và tụ xoay CV2, nó dùng để chọn định tần số của mạch dao động. Hai tín hiệu, một của đài gửi đến và một của tầng dao động nội tạo ra trong máy sẽ cho trộn vào nhau để dời tần, sau cùng tín hiệu của đài đã được cho dời đến tần số 10.7MHz và tín hiệu này cho ra trên chân số 6, ở đây người ta đặt mạch cộng hưởng để lọc lấy tín hiệu IF FM có tần số là 10.7MHz. Nói như vậy có nghĩa là dù sóng FM của đài phát trên tần số sóng mang RF nào thì khi vào máy radio đều sẽ cho dời xuống tần số IF FM để dễ khuếch đại.
Theo sơ đồ trên, người ta dùng gốm áp điện (ceramic filter) để lọc tín hiệu 10.7MHz và cho qua tầng khuếch đại tăng biên với transistor. Tín hiệu IF FM lấy ra trên chân C và ở đây lại dùng bộ lọc gốm để lọc lấy tín hiệu IF FM và cho vào ic KA2245. Trong ic KA2245 có tầng khuếch đại và mạch tách sóng FM (giải điều chế FM) để tách sóng lấy tín hiệu âm thanh hổn hợp ra khỏi sóng mang trung tần IF (tần số 10.7MHz), mạch tách sóng FM cần có tín hiệu tần số chuẩn. Người ta tạo ra tín hiệu này với mạch cộng hưởng gắn trên chân 5 và 6. Sau cùng tín hiệu âm thanh hổn hợp cho ra trên chân số 7. Tín hiệu âm thanh này là tín hiệu âm thanh hổn hợp, với tín hiệu ở dạng R+L, có thể cho khuếch đại và nghe ở Loa (dạng FM mono), còn tín hiệu âm thanh ở dạng R-L còn cho điều chế cân bằng trên tín hiệu 38KHz, nên không nghe được, muốn tách tín hiệu R-L ra chúng ta phải dùng mạch tách sóng vòng khóa pha PLL (Phase Lock Loop), khi lấy được tín hiệu R-L rồi cho kết hợp với tín hiệu R+L, chúng ta sẽ có tín hiệu FM dạng âm thanh nổi (FM stereo), nghe trên 2 mạch khuếch đại, một cho kênh trái L (left) và một cho kênh phải R (right).
Khối Radio AM và trung tần FM:
Muốn tìm ra phần mạch radio AM, Bạn tìm các mạch cộng hưởng có vỏ bọc và thường có lõi sơn màu vàng trắng và đen, và các cuộn anten quấn nhiều vòng và có dùng lõi ferit. Trong hình cho chúng ta thấy khối radio AM và trung tần FM nằm trong ic TA7640AP. Cuộn dây cộng hưởng màu đỏ là mạch dao động nội của AM, biến áp cộng hưởng màu vàng, màu đen là các mạch lọc tần, lọc lấy tín hiệu IF AM có tần số là 455KHz. Bộ lọc gốm 3 chân màu xanh là của IF FM (10.7MHz), và bộ lọc gốm màu vàng 2 chân là của IF AM (tần số 455KHz) .
Giải thích mạch điện:
Nói phần AM trước: Ở đài phát sóng, tín hiệu âm thanh vốn có tần số thấp sẽ cho điều chế lên biên độ của sóng mang tần cao, sóng mang AM (Amplitude Modulation) có tần số trong khoảng 560KHz đến 26MHz (chia ra làm nhiều băng tần, với máy nhiều band, chúng ta có band sóng dài LW, band sóng trung MW và nhiều band sóng ngắn SW). Tín hiệu RF này sẽ bị bẩy sóng gồm cuộn anten và tụ xoay CV1 bắt vào và cho vào chân số 1, chân số 2 mắc tụ lọc. Cùng lúc này mạch dao động nội với cuộn dao động (có lõi sơn màu đỏ) và tụ xoay CV2 sẽ cấp tín hiệu thứ hai cho mạch trộn sóng dời tần (Mixer). Tín hiệu IF AM cho ra trên chân số 16, ở đây dùng mạch lọc cộng hưởng lọc lấy tín hiệu IF AM và cho vào ở chân 13, 12 (chân 12 mắc tụ lọc), trong ic, tín hiệu IF AM sẽ được cho khuếch đại tăng biên để tăng độ nhậy cho máy thu và rồi cho qua tầng tách sóng AM và sau cùng tín hiệu âm thanh qua mạch chọn đường AM hay FM (AM-FM Switch), tín hiệu âm thanh cho ra trên chân số 9. Trên chân số 5 là mạch cộng hưởng lọc lấy tín hiệu IF AM. Chân số 6 là ngả ra của tín hiệu âm thanh dùng cho mạch đo biên độ sóng (Tuning Level Meter) và tạo tác động AGC, dùng để ổn định biên độ của tín hiệu âm thanh tránh hiện tượng phading khiến cho âm thanh lúc nghe lớn lúc nghe nhỏ. Chân số 4 mắc tụ lọc cho mạch ổn áp đặt trong ic, đường nguồn này cấp cho mạch dao động AM.
Bây giờ nói đến phần IF FM: Người ta dùng bộ lọc gốm lọc lấy tín hiệu IF FM (có tần số là 10.7MHz ), tín hiệu này cho vào trên chân 14, 15, chân 15 cho mắc tụ lọc, trong ic, tín hiệu IF FM sẽ được cho khuếch đại tăng biên và khi biên độ đã đủ lớn thì cho vào mạch tách sóng FM, mạch tách sóng FM cần tín hiệu tần số chuẩn, người ta tạo ra tín hiệu này với mạch cộng hưởng trên chân 15. Tín hiệu âm thanh sau khi được tách ra khỏi sóng mang 10.7MHz sẽ cho qua mạch chọn đường (AM-FM Switch) và rồi cho ra trên chân số 9.
Các tín hiệu âm thanh cho ra chân số 9 đều sẽ cho vào tầng khuếch đại âm tần, để khi có công suất đủ lớn sẽ kich thích loa phát ra tiếng.
Khối khuếch đại âm thanh:
Muốn biết khối khuếch đại âm thanh nằm ở đâu trên bo mạch, Bạn tìm nơi có nhiều tụ hóa, vì sao? Vì tín hiệu âm thanh có tần số thấp (trong dãi tần từ 20Hz đến 20000Hz), nên khi dùng các tụ lọc, hay các tụ liên lạc thường cần trị điện dung lớn, nên phải dùng đến tụ hóa. Trong hình, chúng ta đã xác định được ic khuếch đại tín hiệu âm thanh, chung quanh ic nầy có nhiều tụ hóa (Bạn xem hình).
Giải thích mạch điện: Tín hiệu âm thanh cho qua tụ liên lạc (2.2uF) vào chân số 5, chân số 4 mắc tụ lọc (33uF), loại bỏ tác dụng hồi tiếp nghịch để có độ lợi lớn. Tín hiệu qua tầng tiền khuếch đại rồi vào tầng khuếch đại công suất và sau cùng cho ra trên chân số 1. Trong mạch, loa 4 ohm qua tụ hóa lớn (1000uF) lấy tín hiệu ra trên chân số 1.
IC được cấp nguồn với chân số 2 nối masse, chân số 9 nối nguồn nuôi DC, ở dây có tụ lọc đường nguồn 470uF, chân số 3 mắc tụ lọc (100uF) làm giảm dợn sóng trên đường nguồn của tầng tiền khuếch đại.
Trên chân 7, 8 mắc các tụ nhỏ (39pF, 120pF) dùng để bù pha tránh cho mạch không để phát sinh dao động tự kích.
Nói chung trên đây là ic khuếch đại có công suất nhỏ, thường 1W, rất thông dụng trong các máy radio sách tay, hay loại máy đồ chơi.
Các ghi nhận: Thật ra trên đây chỉ là một máy thu thanh AM-FM đồ chơi, chạy với nhiều dạng năng lượng có trong tự nhiên, giá bán của nhà sản xuất là 40 đô (nhưng mua ở Goodwill store là 4.5 đô). Nó nói lên điều gì với chúng ta?
Từ chiếc máy radio này, chúng ta nhận ra mặt trời phát ra ánh nắng chiếu rọi khắp mọi nơi, luôn là nguồn năng lượng cực kỳ quan trọng của con người và muôn vật. Hãy tìm cách sử dụng nguồn năng lượng này một cách hiệu quả nhất, chúng ta sẽ tiết kiệm, và giữ lại được nhiều dạng năng lượng quí hiếm khác, vốn có và còn rất ít trên địa cầu, như dầu, than, củi....
Từ chiếc máy radio này, chúng ta nhận ra động năng, như chuyển động của gió của nước, của từng con người của con vật... luôn tiềm ẩn năng lượng đáng kể và hãy khai thác nguồn năng lượng này phục vụ nhân sinh một cách hiệu quả nhất, chúng ta sẽ không sợ thiếu hụt năng lượng và không phải tranh giành hay phải dùng đến các nguồn năng lượng quí hiếm khác.
Khi hiểu ra, năng lượng là gì? tôi nhìn mưa rơi, nghe gió thổi, thấy mây bay, hay trưa nắng chói chang và một con chó chạy bên hè, một con ngựa chiều chạy vội vã về nhà, cho đến từng chiếc lá rơi, rồi sấm gào rồi sét chớp, rồi từng ngọn sóng cuồn cuộn, rồi đất lỡ, và nước chảy trong các dòng sống... đâu đâu cũng tiềm ẩn một nguồn năng lượng tự nhiên vô cùng lớn. Và rồi tự hỏi đến khi nào chúng ta mới có thể khai thác và sử dụng được các nguồn năng lượng luôn có quanh ta một cách hiểu quả nhất, lúc đó loài người lo gì hết năng lượng và nếu trong cuộc sống không còn thiếu năng lượng nữa, thế giới này sẽ thật sự có hòa bình vĩnh cữu. Hỏi Bạn, có phải không?
Nguồn phuclanshop.com
Đăng nhận xét